Highlight Việt Nam vs Nga, Tứ kết FIFA Futsal World Cup 2021:
Câu hỏi tưởng chừng bất tận: “Bao giờ Việt Nam đá World Cup?”
Thực tế, câu hỏi này bắt đầu xuất hiện từ những năm 2002 trở đi khi World Cup bóng đá 11 người được tổ chức ở châu Á trên đất Hàn Quốc và Nhật Bản, rồi dần dần được nhắc đến nhiều hơn cho đến trước và sau chức vô địch AFF Cup 2008 của ĐT Việt Nam với thế hệ vàng của Công Vinh, Minh Phương, Dương Hồng Sơn…
Người hâm mộ Việt Nam từng chỉ mong mỏi mãi một lần Việt Nam đăng quang ở đấu trường Đông Nam Á mà phải chờ đợi quá lâu. Đến khi chúng ta đạt được thành tích này lần đầu tiên, nó giống như là một câu chuyện cổ tích với người hâm mộ nước nhà, và khiến cho rất nhiều người nước ngoài sinh sống tại Việt Nam mô tả rằng, cách người Việt ăn mừng danh hiệu đó không khác gì việc ĐT Pháp hay ĐT Đức quê nhà của họ giành chức vô địch World Cup vậy.
Vậy đấy, từng có thời điểm, bóng đá Việt Nam chỉ quẩn quanh những giấc mơ nhỏ nhoi đó. Và việc tham dự một vòng chung kết World Cup lại càng xa vời, ngoài tầm với khi chúng ta thường sớm bị thua đậm ngay từ những vòng sơ loại của giải đấu bóng đá lớn nhất hành tinh. Dần già, giấc mơ World Cup chỉ còn được đem ra để châm biếm như cách chúng ta đã đề cập ở đầu bài, hoặc một vài biến thể tương tự.
Bước tiến thần tốc của Futsal Việt Nam
Thế rồi giữa những bước tiến từ từ của bóng đá sân cỏ 11 người, vốn được giới truyền thông và người hâm mộ cực kỳ quan tâm, Futsal Việt Nam âm thầm xuất phát sau nhưng tiến những bước thần tốc và vững chắc, để vượt lên giành lấy ngọn cờ tiên phong đưa bóng đá nước nhà vươn tầm thế giới.
Khi mà ĐT U19 Việt Nam giành vé dự VCK U20 World Cup lần đầu tiên (một giải trẻ) và được tung hô vào năm 2017, thì ĐT Futsal Việt Nam đã âm thầm chinh phục VCK World Cup Futsal (cấp độ cao nhất) lần đầu tiên từ trước đó 1 năm (2016). Đến cơ hội đầu tiên góp mặt tại vòng loại thứ 3 World Cup 2022 của ĐTQG Việt Nam trong năm nay, thì Quang Hải và đồng đội đã có lần thứ 2 được… chiêm ngưỡng ĐT Futsal Việt Nam để lại dấu ấn đậm nét ở VCK World Cup Futsal 2021.
Có thể nói, dù được sinh sau để muộn, tuy nhiên những đầu tư vô cùng bài bản cho Futsal Việt Nam được đánh giá là cực kỳ đúng hướng và bắt kịp thời đại, để giúp Futsal nước nhà bước những bước tiến mạnh mẽ vươn lên tầm cỡ thế giới. Có lẽ cho đến hiện tại, việc nói rằng bóng đá Việt Nam đã đạt tới tầm thế giới, với nhiều người có lẽ còn hơi “ngượng mồm” và chưa quen!
Thậm chí, nhiều người hâm mộ trung lập không thường xuyên theo dõi có thể có suy nghĩ, Futsal chắc có lẽ là môn thể thao “tầm thường” nào đó !?! Nhưng thực tế, đằng sau thành công lớn của Futsal Việt Nam ở đấu trường Thế giới có nhiều hơn một câu chuyện đầy tính nhăn văn và mang nhiều giá trị với người Việt.
Thành công nhờ “đánh vào thị trường ngách”
Nghe như một thuật ngữ kinh tế, nhưng điều này lại đang áp dụng đúng vào trong… thể thao. Thực tế khi mổ xẻ thành công của Futsal nước nhà với những kỳ tích liên tiếp tính đến lúc này, chúng ta có thể nhìn thấy rất nhiều những lợi điểm rất quan trọng mà thật khó để bóng đá sân cỏ 11 người Việt Nam có thể mơ tới. Và đó trở thành những “lợi thế không ngờ trong thị trường ngách” cho Futsal Việt Nam.
Để nói rõ hơn, cần hình dung Futsal là môn bóng đá trong nhà biến thể từ bóng đá sân cỏ 11 người, với một sân thi đấu nhỏ hơn hẳn, khung thành nhỏ hơn và số lượng cầu thủ thi đấu trên sân (chỉ 5 người) cũng ít hơn hẳn so với bóng đá thông thường. Như vậy, cách thức thi đấu của bộ môn bóng đá trong nhà, nhìn thì có vẻ không khác gì so với bóng đá sân cỏ, nhưng thực tế là khác biệt hoàn toàn.
ĐẦU TIÊN, những yếu tố về thể hình, thể lực, chiều cao không được đề cao bằng sự nhanh nhẹn và kỹ thuật chơi bóng, dứt điểm và tư duy chiến thuật trong môn Futsal. Số lượt thay người không giới hạn, cầu thủ có thể ra rồi lại vào sân, việc thi đấu hết mình trong một vài phút, rồi lại ra sân nghỉ ngơi, sau đó quay trở lại sân tiếp tục chiến đấu với 100% sức lực, rồi lại có thể nghỉ ngơi khi mệt, là điều mà bóng đá sân cỏ 11 người sẽ không bao giờ có.
Bóng bổng cũng rất ít khi được sử dụng trong Futsal, bởi vì chiều rộng của sân và diện tích khung thành đều rất hạn chế, không giống sân cỏ 11 người. Như vậy là những điểm yếu về thể chất của người Việt hầu như đã không bị ảnh hưởng ở môn thể thao này. Trái lại, những tổ chất thiên phú lâu nay của cầu thủ Việt Nam về kỹ chiến thuật đã có thêm rất nhiều đất diễn.
Đó là lí do vì sao, chúng ta rất dễ dàng có thể tìm thấy những sân chơi bóng đá 5 người, 7 người trên khắp lãnh thổ Việt Nam. Với tình yêu bóng đá bất tận, tố chất kỹ thuật bẩm sinh và thể lực thể hình hạn chế, bóng đá sân nhỏ đã trở nên cực kỳ phổ biến, không chỉ với cầu thủ chuyên nghiệp, mà còn với đa số đại chúng nước ta. Đó cũng là những điều đã làm nên huyền thoại về “bóng đá đường phố” của Brazil, Argentina, nơi đã sản sinh ra những Messi, Neymar, Ronaldo de Lima mà không cần trường lớp đào tạo nào.
THỨ HAI, luật chơi của Futsal khiến cho việc phạm lỗi, dù là nhỏ nhất, cũng có thể khiến cho đội nhà phải chịu thiệt thòi rất lớn trong trận đấu. Cụ thể, với 5 lỗi tình huống trở lên trong mỗi hiệp đấu, đội phạm lỗi sẽ phải chịu những quả phạt đền penalty 10m. Và từ lỗi thứ 6 trở đi, mỗi lỗi phạm phải tiếp tục khiến đội nhà phải chịu một quả phạt đền 10m như trên.
Như vậy, nếu duy trì thói quen chơi xấu, tiểu xảo như tại V-League, một đội bóng Futsal sẽ phải chịu rất nhiều quả phạt đền, và dễ dàng thua cuộc. Vì thế, luật thi đấu Futsal giúp các cầu thủ tập trung nhiều hơn vào chuyên môn và tránh tư duy chơi bóng ác ý, triệt hạ đối phương, cũng là thói quen xấu của bóng đá sân cỏ 11 người ở Việt Nam. Nhờ việc tập trung vào phát triển kỹ chiến thuật chơi bóng để giành chiến thắng, sự tiến bộ của các thủ cũng trở nên nhanh hơn rất nhiều.
THỨ BA, thêm một yếu tố cực kỳ quan trọng giúp Futsal có được vị thế như hiện tại, đó là việc có rất nhiều nền bóng đá phát triển khác tại châu Á và châu Âu, rất mạnh trên sân cỏ truyền thống, nhưng không hề chú trọng đầu tư vào phát triển môn bóng đá trong nhà. Cụ thể, chúng ta có thể nhìn vào những ví dụ rất điển hình như những thế lực Anh, Pháp, Đức ở châu Âu hay Hàn Quốc, Saudi Arabia, Trung Quốc ở châu Á.
Trên bảng xếp hạng FIFA Futsal (theo hệ số elo), Anh chỉ đứng thứ 60, Đức xếp thứ 63, trong khi Pháp xếp hạng 25 FIFA. Ở châu Á, thế lực bóng đá sân cỏ như Hàn Quốc chỉ xếp thứ 72 trong thế giới Futsal, trong khi đó Trung Quốc chỉ xếp thứ 78, còn ông lớn như Saudi Arabia thậm chí chỉ xếp thứ 86, tất cả đều kém xa Việt Nam (hạng 39 FIFA) hay Thái Lan (hạng 18 FIFA).
Có nhiều nguyên nhân khiến các cường quốc bóng đá nói trên không đầu tư nhiều vào Futsal. Như đã đề cập, với thể chất, thể hình phát triển hơn, cầu thủ bóng đá của họ sẽ yêu thích bóng đá sân cỏ truyền thống. Lí do là bởi, đây là môn được thi đấu trên các sân vận động lớn, được rất nhiều khán giả mua vé đến sân theo dõi, hoặc xem qua truyền hình trả tiền. Điều đó đồng nghĩa với nguồn thu nhập tốt hơn cho cả các nhà đài, nhà tài trợ, giới truyền thông, các sân vận động, các đội bóng, cũng như các cầu thủ.
Môn Futsal chỉ thi đấu trong các sân đấu nhỏ trong nhà, với số người xem không đáng kể, không thể tạo ra được nhiều nguồn lợi về tài chính song song cho rất nhiều bên giống như đã đề cập ở trên. Vì vậy nhiều nền bóng đá phát triển thực sự không mấy mặn mà với việc đầu tư nhiều hơn vào Futsal, từ đó giới cầu thủ chuyên nghiệp cũng ít yêu thích và theo đuổi môn này.
NHƯ VẬY, tính riêng trên mặt bằng chung của châu Á, Futsal Việt Nam đang có vị thế rất cao, đứng thứ 6 của khu vực, chỉ xếp sau lần lượt Iran, Nhật Bản, Thái Lan, Uzbekistan và Australia. Do đó, việc cạnh tranh để có một tấm vé dự World Cup Futsal (Châu Á có 5 suất) trở nên khả thi hơn rất nhiều, và điều đó cũng giúp cho quyết tâm đầu tư vào Futsal của chúng ta cũng càng ngày càng mạnh mẽ hơn.
Đương nhiên vẫn có không ít nền bóng đá phát triển khác như Brazil, Argentina, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Nhật Bản, Iran... vẫn đầu tư mạnh mẽ và bài bản cho Futsal, đó là những nơi mà Futsal đã được phổ cập từ rất lâu và có chỗ đứng vững chắc trong lòng người hâm mộ và giúp cho họ tạo ra dòng thu nhập và lợi nhuận ổn định.
Giấc mơ không còn là mơ mộng
Qua những phân tích kể trên, có thể thấy Futsal chính là môn thể thao phù hợp hơn hẳn cho đại chúng Việt Nam nếu so với bóng đá sân cỏ 11 người. Từ nguồn lực dồi dào về mặt chuyên môn sẵn có, chỉ cần những đầu tư, chiến lược định hướng đúng đắn, Futsal Việt Nam đã có thể thăng tiến vượt bậc và đạt được những thành tựu mà có thể còn lâu nữa, bóng đá sân cỏ Việt Nam mới có thể làm được.
Không những thế, với vị thế rất cao của Futsal Việt Nam tại châu lục, cùng bảng thành tích ngày càng ấn tượng hơn tại các đấu trường quốc tế, Futsal sẽ là một thị trường ngách hoàn hảo để Bầu Tú và lãnh đạo Liên đoàn bóng đá Việt Nam ngày càng đầu tư và tạo điều kiện hơn nữa. Từ đó, những sân cỏ nhân tạo, những sân bóng đá phủi, những sân bóng đá trong nhà từ đây sẽ nuôi dưỡng vá ấp ủ thêm vô vàn giấc mơ.
Nhờ đó, từ bây giờ việc “Việt Nam đá World Cup” hoàn toàn có thể trở thành một lẽ thường tình, một thông lệ đều đặn với ĐT Futsal nước nhà, chứ không còn là một giấc mơ viển vông, hay một ý niệm châm biếm sâu cay nữa.
Đăng nhận xét